5 bài học PR đến từ “chiếc cốc đỏ” của thương hiệu cà phê Starbucks
Tất cả mọi doanh nhân hiểu rằng việc nhận diện thương hiệu là chìa khóa của thành công, và khi bạn có thể đạt được mức độ nhận diện cao với chi phí tiết kiệm thì càng tốt hơn nữa. Một chiến dịch PR có thể không mang lại kết quả mong muốn, nhưng những doanh nhân tài năng luôn hiểu cách biến nó thành cơ hội.
Starbucks, một trong những tập đoàn lớn và nổi tiếng nhất thế giới lại một lần nữa hứng chịu sự chỉ trích của khách hàng, đặc biệt là trên mạng xã hội, sau chiến dịch PR nhân mùa Giáng sinh 2015.
Hàng năm, Starbucks thường chào đón tháng lễ hội Giáng sinh – Năm mới với mẫu cốc màu đỏ. Chiếc cốc độc đáo này nổi tiếng đến mức đã có một website đếm ngược sự ra đời của nó. Ấn tượng hơn nữa, trong vòng 48 tiếng đầu sau khi ra mắt năm ngoái, cứ 14 giây lại có một tấm ảnh về chiếc cốc Starbucks đỏ được đăng tải trên Instagram.
Trong những năm trước, Starbucks đưa ra khá nhiều mẫu thiết kế cho chiếc cốc độc đáo này, tuy nhiên năm nay, hãng quyết định cho ra đời một mẫu cốc chỉ có một màu đỏ cùng logo xanh của hãng, mà theo Phó giám đốc thiết kế của Starbucks thì mẫu cốc này sẽ chào đón tháng lễ hội một cách “tinh khiết”. Nhưng đáng tiếc là không phải ai cũng đồng tình với ông, và Starbucks bắt đầu bị chỉ trích không thương tiếc trên mạng xã hội, hầu hết các ý kiến cho rằng Starbucks đã “quá cứng nhắc” và “phá hỏng Giáng sinh”.
Trong khi chờ đợi cuộc khủng hoảng “chiếc cốc đỏ” của Starbucks lắng xuống, cục diện của vấn đề có thể mang lại cho các doanh nhân một vài bài học:
1. Bất cứ chiến dịch PR nào cũng tốt
Với giá trị thị trường vào khoảng 92 tỷ đô, đầu tư 1,4 tỷ đô cho quà tặng và thẻ thành viên vào năm ngoái, Starbucks hẳn đã có rót một nguồn tài chính khổng lồ cho marketing. Hãng cà phê nổi tiếng thế giới này đã thuê những marketer sáng tạo nhất thế giới, có khả năng tiên lượng được những kịch bản dư luận có thể xảy ra sau từng chiến dịch. Vậy tại sao họ chọn một chiến lược mang lại nhiều phản ứng tiêu cực như vậy?
Câu trả lời rất đơn giản: Làm như vậy sẽ khiến hàng triệu người trở thành marketer và nhà xuất bản cho Starbucks. Chiến thuật PR đó khó tiền bạc nào mua nổi!
Tất cả mọi doanh nhân hiểu rằng việc nhận diện thương hiệu là chìa khóa của thành công, và khi bạn có thể đạt được mức độ nhận diện cao với chi phí tiết kiệm thì càng tốt hơn nữa. Một chiến dịch PR có thể không mang lại kết quả mong muốn, nhưng những doanh nhân tài năng luôn hiểu cách biến nó thành cơ hội.
2. Mạng xã hội thực sự tuyệt vời
Với mạng xã hội – một công cụ truyền thông vô tiền khoáng hậu, chỉ mất một chút thời gian thôi là chủ đề gây tranh cãi này có thể lan truyền đến mọi ngóc ngách của thế giới.
Với công việc kinh doanh, cần hiểu rằng mạng xã hội là công cụ vô giá để tạo dựng thương hiệu và tăng mức độ nhận diện. Có thể bạn sẽ không biết chiến dịch nào hay khi nào chúng sẽ được lan truyền rộng rãi, nhưng rõ ràng những chiến dịch trên nền tảng mạng xã hội và kỹ thuật số luôn là chìa khóa thành công trong môi trường kinh doanh ngày nay.
3. Đi “đường tắt” bằng PR tiêu cực
Là một công ty lớn với giá trị thị trường vào khoảng 92 tỷ đô, Starbuck rất khó đạt được một sự tăng trưởng nhảy vọt. Các công ty chịu chi hàng tỷ đô la cho marketing như Starbucks luôn vật lộn với câu hỏi làm sao để lưu giữ hình ảnh trong tâm trí khách hàng, nhất là khi hãng cà phê này đã đứng đầu thị trường. Câu trả lời rất đơn giản: Sử dụng PR tiêu cực để biến khách hàng thành các marketer cho mình.
Starbucks thừa hiểu chiến dịch mới này sẽ châm ngòi cho một ngọn lửa tranh cãi đối với khách hàng, nhưng cũng biết cách thêm dầu vào ngọn lửa đó bằng cách “lợi dụng” hình ảnh người nổi tiếng. Những ngôi sao truyền hình như Ellen Degeneres hay Stephen Colbert đã lên tiếng về sự kiện này, và ngay lập tức khiến hàng triệu người quan tâm theo dõi chiến dịch của Starbucks.
Bài học rút ra là, khi doanh nghiệp của bạn đã đạt được thành công như Starbucks, việc để người nổi tiếng nói về bạn là một trong số những cách để thu hút sự chú ý một cách hiệu quả.
4. Đừng vượt quá các giới hạn đạo đức
Chiến dịch chiếc cốc đỏ Starbuck dù có làm một vài khách hàng tức giận và tạo ra một vài bài viết tiêu cực trên mạng xã hội, nhưng hàng triệu người làm marketing cho hãng cà phê này đủ sức lấn át điều đó. Và mặc dù những tín đồ trung thành của hãng có thể sẽ làm mặt buồn trong những bức ảnh của Starbucks trên Instagram, họ vẫn sẽ tiếp tục uống những cốc latte vanilla mỗi sáng trên đường tới công ty.
Trước Starbucks, hãng thời trang Bloomingdale’s đã từng có một cuộc khủng hoảng về marketing bắt nguồn từ một trang quảng cáo trên catalog của hãng, với thông điệp “Hãy bỏ thuốc vào cốc sữa trứng của người bạn thân khi họ không để ý” (Spike your best friend’s eggnog when they’re not looking). Thông điệp xấu xí này nhanh chóng làm dấy lên làn sóng phản đối lan rộng bởi nó dường như đang cổ súy cho tình trạng quấy rối tình dục bằng thuốc, tình trạng xảy ra nhiều nhất trong các vụ quấy rối tình dục được ghi nhận bởi Sở Tư pháp Mỹ.
Kể từ khi tấm poster gây tranh cãi của hãng Bloomingdale’s ra mắt, rất nhiều nhóm hoạt động vì nữ quyền đã lên tiếng, những người nổi tiếng cũng thể hiện quan điểm chống lại thông điệp quảng cáo này, và những status của họ cũng được người dùng Twitter liên tục chia sẻ cho nhau.
Điểm khác biệt giữa Bloomingdale và Starbucks là gì? Người nổi tiếng nói đùa về màu sắc của một chiếc cốc thì vui, nhưng lên tiếng chống lại việc cổ súy cho tình trạng quấy rối tình dục thì khác xa!
Bài học rút ra là, các giám đốc marketing khi sử dụng PR tiêu cực nên cẩn trọng, và kiểm tra thật kỹ những thông điệp quảng cáo để chắc chắn rằng không một ranh giới đạo đức nào bị vượt qua. Starbucks đã thông minh khi sử dụng chiến dịch chiếc cốc đỏ bởi hãng này hiểu sẽ không gây hại gì đến khách hàng của mình. Nhưng thật tiếc là Bloomingdale’s lại không nhận ra điều này.
5. Cơ hội luôn đến với người biết chớp thời cơ
Khi chủ đề “chiếc cốc đỏ” của Starbucks lan chóng mặt trên mạng xã hội, các doanh nhân sáng tạo trên thế giới đã hành động rất nhanh chóng. Chẳng hạn, Dunkin Donuts cũng lập tức ra mắt chiếc cốc lễ hội của mình.
Chiếc cốc mùa lễ hội 2015 của Dunkin Donuts được tung ra ngay sau khi chiến dịch “chiếc cốc đỏ” của Startbucks gây “ồn ào” trên mạng |
Vì vậy, dù bạn cảm thấy khó chịu với chiến dịch chiếc cốc của Starbucks hay không quan tâm đến nó, thì đây cũng là một phương thức lan truyền thông tin hữu hiệu thông qua hàng chục triệu người trên các phương tiện truyền thông xã hội. Vì vậy, ngoài việc chủ động xây dựng các chiến dịch truyền thông, các doanh nhân thành công của ngày mai cũng cần biết cách tận dụng các cơ hội đến bất chợt như thế này.
Leave a Reply