Bật mí 5 cách lấy lòng khách hàng hiệu quả nhờ phương thức phân phối
Những khách hàng thế hệ Y (khách hàng sinh ra trong thập niên 1980, 1990) đang mong muốn điều gì? Đây là một lực lượng người tiêu dùng chiếm số đông và có sức tiêu thụ khá mạnh ở nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, ở Mỹ có đến 80 triệu khách hàng thế hệ Y với sức mua đến 200 tỷ USD mỗi năm.
Khi nghĩ đến việc làm hài lòng người mua và tạo ra cho họ những trải nghiệm tích cực, các doanh nghiệp thường chỉ quan tâm đến bản thân sản phẩm hay dịch vụ. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp còn có thể làm điều này thông qua một phương diện khác, đó chính là quá trình phân phối sản phẩm hay phương thức đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Hai nhà tư vấn Christopher A.H. Vollmer và Bart Sayer của Stretegy& (trước đây được biết đến là Booz & Company) mới đây đã chia sẻ với các doanh nghiệp về những bí quyết để làm hài lòng khách hàng qua phương thức phân phối.
1. Thay đổi cách phân phối theo yếu tố nhân khẩu học
Những khách hàng thế hệ Y (khách hàng sinh ra trong thập niên 1980, 1990) đang mong muốn điều gì? Đây là một lực lượng người tiêu dùng chiếm số đông và có sức tiêu thụ khá mạnh ở nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, ở Mỹ có đến 80 triệu khách hàng thế hệ Y với sức mua đến 200 tỷ USD mỗi năm.
Theo Vollmer và Sayer, những khách hàng thế hệ Y muốn sở hữu tức thời những nhãn hiệu mà họ yêu thích, họ đòi hỏi quá trình tương tác và mua bán với doanh nghiệp phải được hỗ trợ thuận lợi, dễ dàng bằng các công nghệ kỹ thuật số, và kỳ vọng các yêu cầu đặc thù của họ phải được đáp ứng.
Khách hàng thế hệ Y không lựa chọn dựa trên những tiêu chí mang tính hữu hình mà dựa vào những tiêu chí mang tính cá nhân hóa và có tính đến sự trải nghiệm nhiều hơn.
2. Tạo điều kiện để khách hàng dễ dàng mua các sản phẩm hay dịch vụ bổ sung
Vollmer và Sayer chỉ ra rằng nhu cầu của khách hàng thường rất đa dạng và ai cũng có lúc sẽ gặp khó khăn khi bất chợt nghĩ ra một nhu cầu mới, một “phiên bản mới” bổ sung vào cái họ đang có nhưng không thể thỏa mãn ngay nhu cầu này.
Điều đó cũng tương tự như trường hợp một bà nội trợ cảm thấy rất khó chịu khi đang nấu một món ăn và chợt nghĩ ra cần phải thêm một loại gia vị nào đó vào món ăn này để làm cho hương vị của nó thêm phong phú, đậm đà nhưng không thể tìm mua ngay được.
“Hãy giúp cho khách hàng nhanh chóng có được những trải nghiệm toàn diện và mang tính cá nhân cao. Hãy tự đặt ra câu hỏi, vào một khoảnh khắc bất chợt nào đó, khách hàng có thể mong muốn có thêm những điều gì nữa ngoài bản thân sản phẩm và dịch vụ chính, và hãy chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu ấy của họ”, các tác giả khuyên.
3. Tìm hiểu những nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ mang tính thời vụ
Chẳng hạn, có những mặt hàng thường được tiêu thụ nhiều vào những mùa lễ hội trong năm. Nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp chỉ nên bán những mặt hàng ấy vào đúng dịp lễ hội.
Đâu đó, vẫn có thể có một bộ phận người tiêu dùng có nhu cầu những mặt hàng này vào những dịp khác trong năm và doanh nghiệp sẽ tạo ra được sự khác biệt cho mình so với các đối thủ cạnh tranh nếu đáp ứng kịp thời những nhu cầu “trái vụ” như thế.
4. Bắt kịp các xu hướng thay đổi không ngừng trong hệ thống hạ tầng của hoạt động phân phối
Dịch vụ Google Express của Google, Prime Now của Amazon, Uber ETAS của Uber là những cái tên đi đầu trong việc tạo ra thách thức đối với phương thức phân phối sản phẩm theo kiểu truyền thống.
Vollmer và Sayer cho rằng doanh nghiệp không nhất thiết phải là những người đi tiên phong trong việc phát minh ra những phương thức phân phối mới, nhưng nếu thật sự muốn làm mới mình ở phương diện này để tạo ra trải nghiệm tích cực cho khách hàng thì nên chủ động tìm cách hợp tác với những người phát minh ra các phương thức mới.
5. Đừng bỏ quên phương thức phân phối truyền thống
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc gắn kết, tương tác với khách hàng qua nhiều kênh phân phối khác nhau thường tạo ra hiệu ứng tích cực.
Vollmer và Sayer cho biết, “Target đã nhận thấy rằng những khách hàng vừa mua hàng ở cửa hàng bên ngoài vừa mua hàng qua các kênh kỹ thuật số của nhãn hiệu này có tần suất mua hàng nhiều gấp ba lần những khách hàng chỉ mua hàng từ cửa hàng bên ngoài, tạo ra doanh số nhiều gấp ba lần và lợi nhuận nhiều hơn 2,5 lần”. Nghiên cứu này cũng đồng nhất với kết quả khảo sát của một số nhà bán lẻ trực tuyến khác.
Đó cũng là lý do khiến Warby Parker và Bonobos vừa mới đưa mảng thương mại điện tử bổ sung vào mạng lưới các cửa hàng bên ngoài của mình.
VĂN NHẤT (theo Inc.)/DNSGCT
Leave a Reply