Những lưu ý quan trọng cần nhớ khi tắm cho trẻ mùa Đông
Nên làm gì khi tắm cho trẻ mùa Đông
Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ mọi thứ cần thiết: Trước khi tắm cho trẻ, bạn cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, tất, bao tay để sẵn trên giường, tốt nhất là làm ấm quần áo cho trẻ để khi tắm xong trẻ mặc luôn quần áo vào, tránh bị lạnh.
Tắm trong phòng kín gió: Khi tắm cho trẻ, nhất thiết phải tắm trong phòng kín gió. Với những bé trên 1 tuổi, bạn nên mua 1 cái chậu to, thành chậu cao để làm sao khi trẻ ngồi vào mà nước bao phủ phần lớn người của trẻ. Nước sẽ giúp trẻ giữ ấm và không bị ảnh hưởng bởi các luồng gió. Tốt nhất là cha mẹ nên tắm trước rồi mới đến trẻ, vì khi bố mẹ tắm sẽ làm cho hơi nước ấm vẫn còn đọng lại, giúp phòng ấm hơn. Nếu thời tiết lạnh quá, bạn cũng thế thể cho vào nước một ít dầu tràm.
Khi tắm cho trẻ, mẹ phải tắm cho bé trong phòng kín gió
Lưu ý nhiệt độ nước tắm: Khi tắm cho trẻ, dù trời lạnh đến mức nào, mẹ cũng không nên pha nước tắm cho trẻ nóng quá. Điều này sẽ có hại cho làn da mỏng manh của bé. Nhiệt độ nước thích hợp là từ 33 độ C đến 36 độ C. Mẹ nên dùng khuỷu tay hoặc cổ tay của mình để cảm nhận xem nhiệt độ có thích hợp hay không. Trường hợp mẹ vẫn chưa chắc chắn được độ ấm của nước thích hợp cho con thì có thể dùng nhiệt kế chuyên đo nhiệt độ nước tắm để kiểm tra.
Thời gian tắm cho trẻ: Tránh tắm cho bé vào sáng sớm hoặc quá muộn trong ngày. Thời gian lý tưởng nhất để tắm cho bé là từ 10h – 10h30 hoặc từ sau 13h đến trước 16h. Thời gian tắm cho các bé không kéo dài quá 5 phút kể từ khi cho bé tiếp xúc với nước cho đến lúc bé ra khỏi chậu để đảm bảo nước vẫn giữ đủ ấm cho bé. Nếu tắm cho trẻ với thời gian lâu thì trẻ dễ bị cảm lạnh, viêm họng hoặc nặng hơn là viêm phổi. Vào mùa Đông chỉ cần tắm cho bé 2 – 3 lần/tuần.
Mùa Đông mẹ chỉ cần tắm cho bé 2 – 3 lần/tuần
Giữ ấm cho bé sau khi tắm xong: Sau khi tắm xong cho bé, mẹ phải lấy khăn tắm khô choàng kín người bé từ đầu đến chân rồi lau thật khô người bé. Mặc quần áo cho bé và bế bé vào lòng.
Những điều cần tránh khi tắm cho bé
Tắm khi bé đói bụng: Tắm khi trẻ đói bụng sẽ khiến trẻ khóc, quẫy đạp lung tung và không hợp tác với bạn.
Tắm khi trẻ vừa ăn no xong: Việc này có thể gây hại cho dạ dày non nớt của bé. Ngoài ra, những cử động mạnh khi tắm của bé có thể làm bé bị nôn thức ăn.
Bỏ bé một mình trong chậu khi tắm: Cha mẹ không nên để bé một mình khi tắm để đi lấy đồ hay làm gì dù chỉ 1 – 2 phút. Bé có thể bị ngạt nước chỉ vì một phút không để ý của mẹ.
Tắm cho bé nơi thoáng gió: Tắm nơi thoáng gió cho bé là sai lầm mà nhiều mẹ gặp phải. Tắm nơi thoáng gió, kể cả trong mùa Hè cũng có thể khiến bé bị cảm lạnh.
Để móng tay dài khi tắm cho trẻ: Nhiều cha mẹ sơ ý để móng tay dài khi tắm cho bé, điều này có thể làm trẻ bị xước da.
Ngoài ra, với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, mẹ nên tắm đến chỗ nào thì cởi chỗ đó, không nên cởi hết quần áo con ra một lúc. Sau khi tắm sạch rồi thì nhanh chóng quấn khăn để lau người và giữ ấm cho con. Khi mặc quần áo cho con, mẹ cũng nên mặc quần áo cho con đến đâu thì bỏ khăn ra đến đó.
Theo Healthplus
Leave a Reply